
Hiển thị bài viết tin tức
Xã Hòa Định nằm về phía Nam của huyện Chợ Gạo, giáp ranh thị trấn Chợ Gạo, có tuyến đường huyện 23, 23B, 24 đi ngang qua nối liền với Sông Tiền và các xã phía Nam của huyện. Vị trí địa lí của xã được xác định như sau:
- Kinh độ: Từ 106o26'49" đến 106o29'14" Kinh độ Đông.
- Vĩ độ: Từ 10o18'38" đến 10o21'04" Vĩ độ Bắc.
Ranh giới:
- Phía Đông giáp xã Bình Ninh và An Thạnh Thủy.
- Phía Tây giáp xã Xuân Đông.
- Phía Nam giáp sông Tiền.
- Phía Bắc giáp thị trấn Chợ Gạo.
Xã Hòa Định có 6 ấp, gồm: Long Hòa, Mỹ Thạnh, Hòa Lạc Trung, An Cư, Hòa Thành và Nhơn Hòa. Tổng diện tích tự nhiên 1.358,17 ha; dân số năm 2021 là 9.587 người với 2.332 hộ, mật độ dân số trung bình 706 người/km2.
Bảng Thực trạng phân bố dân cư xã Hòa Định
STT | Tên Ấp | Diện tích (ha) | Số hộ (hộ) | Nhân khẩu | ||
Tổng số | Chia ra | |||||
Nam | Nữ | |||||
1 | Mỹ Thạnh | 208,67 | 463 | 1398 | 685 | 713 |
2 | Nhơn Hòa | 221,01 | 392 | 1421 | 711 | 710 |
3 | Long Hòa | 199,68 | 435 | 1558 | 772 | 786 |
4 | Hòa Lạc Trung | 275,50 | 581 | 2056 | 1032 | 1024 |
5 | An Cư | 247,88 | 461 | 1749 | 851 | 898 |
6 | Hòa Thành | 205,43 | 372 | 1304 | 633 | 971 |
| Toàn xã | 1358,17 | 2.704 | 9.486 | 4.684 | 4.802 |
Nhìn chung trên phạm vi toàn xã, địa hình khá bằng phẳng và hơi thấp; cao độ biến thiên từ +0,5 – 1,0 m (so với mực nước biển), thoải dần theo hướng Tây Nam (0,8 – 1 m) – Đông Bắc (0,5 – 0,8 m).
Phần lớn là đất phù sa đã phát triển có đốm rĩ và đất lập liếp, đặc trưng bởi tầng sét tương đối chặt nằm dưới tầng canh tác. Mặt khác các loại đất này cũng có thể thâm canh vườn trong điều kiện cải tạo độ tơi xốp của đất sau khi lên liếp.
1) Đất phù sa đã phát triển có đốm rĩ (Pf):
Diện tích 58,64 ha, chiếm 4,31% diện tích tự nhiên, phân bố ở các ấp Long Định, Hòa Thới. Đất giàu mùn nhưng kém tơi xốp, hơi chua, thích hợp canh tác lúa hoặc lên liếp lập vườn.
- Thành phần cơ giới nặng, sét đến sét pha thịt, ở độ sâu 100 - 120cm là thịt pha sét đến thịt lẫn ít các mịn. Đất có pH tầng mặt chua đến hơi chua, pH H20 = 4,9 - 5,9, pHkcl = 3,67 - 5,70, EC = 0,15 - 1,2ms/cm.
- Về hàm lượng dinh dưỡng, tầng mặt có lượng OM từ trung bình đến khá (1 - 3%); N tổng số trung bình từ 0,09 - 0,18%); P tổng số ở mức trung bình (0,03 - 0,07%), P dễ tiêu thấp đến nghèo (2 - 5,0mg/100g), Ca2+ trao đổi trung bình (1-2me/100g); Mg2+ trao đổi cao (4 - 5 me/100g).
- Độc chất tầng mặt rất thấp và hơi tăng theo chiều sâu (Al3+ trao đổi từ 0,05 - 1,5 me/100g; S042- hòa tan từ 0,04 - 0,08 %).
2) Đất lập liếp (Vp):
Chủ yếu là các đất bị xáo trộn do lập liếp, còn gọi là Đất Liếp, đất lập liếp bao gồm các đất thổ cư, đất lập liếp trồng cây lâu năm, đất xây dựng cơ bản,... mục đích sử dụng chính không dùng cho canh tác và sản xuất nông nghiệp. Đất liếp là đất có ảnh hưởng tác động của con người, lớp phủ thổ nhưỡng dày hơn 150 cm, tất cả các đất thổ canh thổ cư, đất xây dựng... và các đất chuyên dùng khác có thể xếp trong đất này. Đất liếp trồng cây ăn quả, dừa, mía... là đất có chịu ảnh hưởng tác động của con người trong khoảng 150 - 200cm lớp đất mặt và chủ yếu sử dụng để sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, có thể thay đổi dạng hình liếp để phục vụ cho việc canh tác các loại cây trồng khác nhau.
Diện tích 598,49 ha chiếm 44,03% tổng diện tích tự nhiên. Được phân bố hầu hết trên địa bàn xã, tập trung ở phía Nam giáp sông Tiền và các tuyến kênh rạch chính trên địa bàn xã như: Rạch Cầu Ngang, Rạch Xẻo Môn... Đất nhìn chung thoáng xốp, có địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ hơn các loại đất phù sa thích hợp cho việc trồng cây dừa làm nhà ở và hoa màu các loại.
3) Đất phù sa gley (Pg): Diện tích 226,27 ha chiếm 16,65% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích của loại đất này được tập trung ở trung tâm của xã cặp đường huyện 23 và dọc theo tuyến kênh Xuân Hòa thuộc các ấp Hòa Lạc Trung, Nhơn Hòa, và Hòa Thành. Đây là loại đất có nhiều ưu điểm thích hợp cho việc trồng rau màu cho năng suất cao, riêng nhóm đất này cũng có thể thâm canh vườn trong điều kiện cải tạo độ tơi xốp của đất sau khi lên líp.
3. Khí hậu - Thời tiết
Xã Hòa Định nằm trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nên cũng mang những nét đặc trưng của khí hậu đồng bằng châu thổ, chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 2 mùa: mưa, nắng rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 11, mùa nắng bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Theo số liệu thống kê của trạm khí tượng thuỷ văn Tiền Giang cho thấy đặc điểm khí hậu, thời tiết trên địa bàn xã như sau:
- Nhiệt độ: Do ảnh hưởng của xích đạo nên nhiệt độ khá ổn định với sự phân hóa đặc tính nhiệt độ, mưa, độ ẩm và thoát hơi nước theo mùa. Nhiệt độ trung bình trong năm 270C. Biên độ nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất từ 3-50C. Dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm bình quân 100C, tháng nóng nhất trong năm thường từ tháng 3- 4, tháng lạnh nhất là tháng giêng.
- Bức xạ chiếu sáng: Nguồn năng lượng bức xạ dồi dào bình quân 10 kcal/cm2 và trên 2.400 giờ nắng/năm, biên độ giờ chiếu sáng/ngày giữa tháng có ngày dài và ngắn dưới 1 giờ. Quang lượng chiếu sáng cao thuận lợi cho cây trồng phát triển đặc biệt là trồng cây ăn quả.
- Mưa: Mùa mưa thường trùng với gió mùa Tây Nam từ biển Đông thổi vào từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, mang theo nhiều hơi nước làm cho thời tiết mát mẻ, khí hậu ẩm, lượng mưa trung bình hàng năm biến thiên từ 1.400- 2.200 mm, từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau có số ngày mưa ít nhất, biến thiên từ 13- 21 ngày/tháng và có 2 đỉnh mưa trong năm; thứ nhất từ tháng 6-7; thứ hai vào tháng 9 - 10, lượng mưa ngày không lớn, thường nhỏ hơn 50 mm.
- Gió: Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hàng năm thường xuất hiện hai luồng gió chính:
+ Gió mùa Tây Nam: mang theo nhiều hơi nước, thổi vào mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, vận tốc gió trung bình 2,4 m/s
+ Gió mùa Đông Bắc: thổi vào mùa khô tốc độ trung bình 3,8 m/s, từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch là gió mùa thịnh hành, thổi cùng hướng với các cửa sông làm gia tăng tác động thủy triều nên còn gọi là gió Chướng.
- Độ ẩm không khí: trung bình 79,20% và thay đổi theo mùa, mùa mưa 82,50%, mùa khô 74,10%; ẩm độ giữa các tháng trong năm chênh lệch không đáng kể phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng.